Ngày 5/10/2018 tại Hà Nội, Tổng hội cơ khí Việt Nam phối hợp với Trường đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) tổ chức Hội nghị khoa học công nghệ toàn quốc về cơ khí lần thứ 5. Hội nghị đã thu hút hơn 400 báo cáo viên, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên học cao học và học sinh-sinh viên chuyên ngành Cơ khí tham dự.
Ông Frank Knafla chia sẻ về sản xuất thông minh của Phoenix Contact
Với hơn 400 báo cáo viên cùng 212 bài báo cáo đã được gửi đến Ban tổ chức từ các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo toàn quốc như: Đại học Bách Khoa, HaUI, Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại học Nha Trang, Viện Nghiên cứu cơ khí- Bộ Công Thương, Viện Khoa học và công nghệ quân sự,… trong đó có 176 bài được đăng trong kỷ yếu và 55 bài được lựa chọn để báo cáo tại hội nghị. Đặc biệt Hội nghị đón chào sự hiện diễn của hai diễn giả là ông Frank Knafla – Tập đoàn Phoenix Contact, CHLB Đức – đất nước khởi nguồn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nghiên cứu về “Sự thay đổi của công nghệ cơ khí trong cách mạng công nghiệp 4.0” và ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp- Bộ Công Thương với nghiên cứu “Chiến lược phát triển ngành cơ khi Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0”.
Với mục đích nhằm công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực cơ khí có cơ hội giao lưu, trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm và các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, Hội nghị còn là cầu nối giữa các doanh nghiệp và các nhà khoa học trao đổi thông tin nhằm góp phần thúc đẩy vai trò của khoa học và công nghệ lĩnh vực cơ khí trong sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đỗ Hữu Hào- Chủ tịch Tổng Hội cơ khí Việt Nam cho biết “Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước, các báo cáo được in thành kỷ yếu và là tài liệu khoa học có uy tín hàm lượng trí tuệ cao trong lĩnh vực cơ khí”.
PGS.TS.NGND Trần Đức Quý- Hiệu trưởng HaUI chia sẻ “Đây là hội nghị tầm cỡ quốc gia, là trường đại học công lập có truyền thống đào tạo cán bộ khoa học lâu dài nhất ở Việt Nam với truyền thống lịch sử 120 năm xây dựng và phát triển trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn lịch sử với nhiều khó khăn thách thức nhưng các thế hệ thầy và trò nhà trường luôn quyết tâm xây dựng nhà trường thành một cơ sở đào tạo theo hướng ứng dụng công nghệ, tuy tín và chất lượng”.
“Hiện nay nhà trường đang đầu tư đào tạo 3 chuyên ngành tiến sỹ, 9 chuyên ngành thạc sỹ, 33 chuyên ngành đại học… hợp tác với các nước như: Bỉ, Anh, Nhật… và nhiều chương trình đào tạo liên kết, không chính quy. Hiện ngành cơ khí của trường đã phát triển vượt bậc, với chính sách mở rộng hội nhập quốc tế HaUI đã tiếp nhận tài trợ của một số dự án quốc tế quan trọng như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… do đó hệ thống máy móc thiết bị đào tạo nghiên cứu khoa học ngành cơ khí của nhà trường luôn cập nhật công nghệ mới tiên tiến hiện đại của các nước trên thế giới đáp ứng đầy đủ cho công tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực ngành cơ khí chất lượng cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ”, PGS.TS.NGND Trần Đức Quý chia sẻ.
Diễn giả đặc biệt, Ông Frank Knafla, chia sẻ về sản xuất thông minh tại Tập đoàn Phoenix Contact, tại đây hệ thống quản lý hơn 65.000 các thiết bị, với quan điểm sản xuất là lô hàng phải đáp ứng được các yêu cầu về cấu hình của sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, giảm vòng đời của sản phẩm cũng như sự linh hoạt của lô hàng với chi phí sản xuất hợp lý đặc biệt là đảm bảo tính kinh tế ngay cả với những lô hàng nhỏ.
Cũng theo ông Frank Knafla thì chiến lược của Phoenix Contact là kết hợp, hợp tác với các doanh nghiệp trên thế giới nhất là các công ty có khả năng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 4.0 để cùng nhau xây dựng kế hoạch và phát triển các hoạt động của các bên. Phoenix Contact tìm thấy tiềm năng này ở Việt Nam không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn đối với các cơ sở đào tạo trong đó Phoenix Contact đã hợp tác với HaUI và đã hỗ trợ một phòng Lab cho nhà trường để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy.
Trong khi đó, ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp- Bộ Công Thương tại cho biết “Theo điều tra của Bộ Công Thương vừa qua có đến 80% các doanh nghiệp VN chưa chuẩn bị cho 4.0 và chỉ có 20% thì vẫn đang ở mức sơ khai. Hạn chế của các doanh nghiệp cơ khí hiện nay đó chính là còn ít các phát minh sáng chế, nhân lực còn thiếu và yếu về trình độ khi mà chúng ta đang thiếu lực lượng nghiên cứu, tư vấn thiết kế, đó là chưa kể đến công tác xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành cơ khí chưa được quan tâm đúng mức….”.
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh giải pháp trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp cơ khí với các nhà sản xuất, phát triển các chuỗi cung ứng để các doanh nghiệp cơ khí trong nước tham gia vào chuỗi cung cấp; xây dựng hế thống quản lý đánh giá cấp chứng chỉ, kỹ năng nghề nghiệp trong lĩnh vực cơ khí..
Đây là Hội nghị thường niên được tổ chức 2 năm/lần nhằm mục đích công bố các công trình khoa học công nghệ và là cơ hội giao lưu giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước về lĩnh vực cơ khí. Năm nay sự kiện được HaUI đăng cai tổ chức nhằm hướng đến kỷ niệm 120 năm ngày thành lập Trường đại học Công nghiệp Hà Nội và 10 năm chuyển đổi từ Hiệp hội khoa học kỹ thuật cơ khí thành Tổng hội cơ khí Việt Nam. Đồng thời Hội nghị cũng là diễn đàn rộng lớn của đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy trong lĩnh vực cơ khí.
Thu Hường